Du lịch La Gi, Bình Thuận ngoài tham quan các địa điểm hấp dẫn như Coco Beach, biển Đồi Dương, biển Cam Bình, du khách đừng quên dành thời gian đến Dinh Thầy Thím – một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cũng như điểm tâm linh rất nổi tiếng ở đây.
Hướng dẫn di chuyển đến Dinh Thầy Thím
Từ TPHCM: Bạn đi theo quốc lộ 1A, đến ngã ba 46, bạn rẽ phải vào quốc lộ 55 (đường xuống Thị xã La Gi). Đi khoảng 18km sẽ đến trung tâm thị xã. Từ đây bạn hỏi đường Nguyễn Chí Thanh rồi tiếp tục đi thẳng, đến bến xe Thầy Thím sẽ thấy ngã rẽ có bảng chỉ dẫn vào Dinh.
Từ TP Phan Thiết: Bạn đi theo đường ĐT719 (đường ven biển), qua mũi Kê Gà, đến đoạn giao với đường Lê Thánh Tôn thì rẽ trái, chạy thẳng đến bến xa Thầy Thím sẽ thấy có biển chỉ dẫn vào Dinh Thầy Thím.
Đôi nét về Dinh Thầy Thím
Tọa lạc giữa khu rừng Bàu Cái, thuộc địa phận thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, Dinh Thầy Thím là khu di tích lịch sử văn hóa rất nổi tiếng, được nhiều người tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng và cúng bái, nhất là dịp tảo mộ (ngày 5 tháng giêng) và lễ hội Dinh Thầy (rằm tháng 9 âm lịch) hằng năm.
Lễ hội Dinh Thầy Thím vào rằm tháng 9 hàng năm
Dinh Thầy Thím có dạng kiến trúc như một ngôi đình làng gồm nhiều hạng mục như: cổng Tam quan, Võ ca, chính điện, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Hậu hiền,…Các công trình đều được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo, mang đậm nét kiến trúc cung đình.
Bên cạnh đó còn có những bức tượng đắp nổi trên vách, trên cột và trên nóc nhà do các nghệ nhân Huế mới phục dựng lại, đặc biệt là các bức phù điêu trước sân mang đến cho du khách cảm giác tôn kính, luôn nhớ về cội nguồn.
Tham quan và cúng bái Đền thờ Thầy Thím
Thực hiện chuyến du lịch giá rẻ đến Dinh Thầy Thím, ngoài tham quan và cúng bái, du khách còn có dịp tìm hiểu về sự tích Thầy Thím. Câu chuyện được khắc trên tấm bia trước Dinh kể rằng, ngày xưa có một cặp vợ chồng vì tránh án oan của vua đã cưỡi rồng bay vào vùng đất Tam Tân. Trên đường đi, vô tình một người đã đánh rơi một chiếc giày ở Tân Thiện (nay thuộc phường Tân Thiện - thị xã La Gi), tại đây người dân trong vùng cũng có lập miếu thờ Thầy Thím.
Đến vùng đất Tam Tân thì Thầy Thím dừng lại, ngày ngày bốc thuốc cứu người, quy thuận muôn thú, sống một cuộc đời thanh bình nơi rừng sâu. Sau khi đôi vợ chồng ấy qua đời, muôn thú đắp mộ, nhân dân thờ viếng, cúng bái. Tuy qua đời nhưng đôi vợ chồng vẫn phù hộ cho người dân trong làng. Có điều lạ là, hàng năm vào dịp tảo mộ, lại có một đôi hắc, bạch hổ về phủ phục. Tiếng lành đồn xa đến tai xua Tự Đức. Sau khi tìm hiểu nguyên do, vua đã xóa bỏ án oan cho đôi vợ chồng và ban tước vị cho Thầy là “Chí đức tiên sinh” và cho Thím là “Chí đức nương nương”, cho dân lập dinh thờ cúng.
Hai tượng Hắc Hổ và Bạch Hổ ở Dinh Thầy Thím La Gi
Khu vực dinh tràn ngập bóng cây cổ thụ, có nhiều ghế đá để du khách ngồi nghỉ mệt, thư giãn. Sau khi ghé dinh, du khách có thể đi khoảng 3km về phía Tây để đến khu mộ Thầy Thím. Ở đây có bốn nấm mộ (2 mộ của Thầy Thím và 2 mộ của đôi hắc, bạch hổ) được đắp bằng cát trắng mịn. Xung quanh mộ là những rừng dầu cổ thụ xen lẫn những tán sao, xà cừ, tạo cho du khách cảm giác như đang đi giữa khu rừng với tiếng nhạc nhẹ nhàng hòa cùng âm thanh vi vu của gió.
Thực hiện chuyến du lịch trong nước đến Dinh Thầy Thím, du khách còn có thể di chuyển khoảng 1, 2km nữa để đến ngảnh Tam Tân – vùng biển còn rất hoang sơ, thanh vắng. Tại đây, bạn có thể vui chơi, tắm biển và cắm trại. Gần đó có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn nên bạn không phải lo về vấn đề lưu trú nếu dự định du lịch 2, 3 ngày.